Vai trò của Luật sư trong vụ kiện dân sự

Chức năng xã hội của Luật sư là góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Luật sư bảo vệ trong vụ kiện dân sự góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hang, góp phần bình ổn xã hội. Để tìm hiểu vai trò của Luật sư trong bảo vệ vụ kiện dân sự cần tìm hiểu về nội dung tranh chấp dân sự.

Tranh chấp dân sự

Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án bao gồm: tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân; tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản; tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự; tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; tranh chấp về thừa kế tài sản; tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính; tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước; tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí; tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những tranh chấp dân sự nói chung, còn những tranh chấp hôn nhân gia đình xảy ra nhiều thuộc phạm vi giải quyết của tòa án, bao gồm: ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ; tranh chấp về cấp dưỡng, tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật; các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, bao gồm: tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty; tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty; các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Tranh chấp về lao động gồm tranh chấp về lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp về học nghề, cho thuê lại lao động…

Vai trò của Luật sư trong bảo vệ vụ kiện dân sự

Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi tòa án thụ lý vụ án dân sự; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác.

Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự, thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho tòa án xem xét; thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này; giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; trường hợp được đương sự ủy quyền thì thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà tòa án tống đạt hoặc thông báo và có trách nhiệm chuyển cho đương sự; đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng; tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.

Trong các vụ án tranh chấp về đất đai, lao động, đa số các vụ án có thời gian xảy ra sự việc khá lâu và phức tạp, đương sự thiếu hiểu biết về pháp luật nên việc mời Luật sư tham gia tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền lợi là cần thiết. Nhiều vụ án tranh chấp đất đai với sự tham gia của Luật sư tư vấn pháp luật đã giảm bớt những tranh chấp kéo dài, giảm khiếu nại vượt cấp. Các vụ án tranh chấp thừa kế khá phức tạp, nhiều vụ việc xác định nguồn gốc tài sản chung từ đó xác định chia cho hàng thừa kế cần nhiều chứng cứ và áp dụng pháp luật qua nhiều thời kỳ, sự tham gia của Luật sư trong các vụ án này có vai trò rất quan trọng. Số lượng Luật sư tham gia các vụ án dân sự ngày càng nhiều, người dân đã dần quen với việc mời Luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình để vụ án được xét xử khách quan, đúng quy định pháp luật. Khi Luật sư tham gia vụ kiện dân sự sẽ dùng kiến thức pháp lý và kinh nghiệm tư vấn, tranh tụng để tư vấn, hướng dẫn khách hàng thực hiện bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Tranh tụng trong vụ án dân sự dựa vào chứng cứ mà các bên thu thập hợp pháp để chứng minh bảo vệ quyền lợi. Luật sư tham gia vụ án dân sự sẽ hướng dẫn đương sự và sử dụng chứng cứ có lợi khi bảo vệ cho thân chủ.

Vai trò của Luật sư trong tranh chấp dân sự còn thể hiện ở việc bảo đảm thủ tục tố tụng dân sự được tuân thủ đúng pháp luật. Luật sư sẽ đề xuất việc tham gia của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nếu cần thiết trong vụ án dân sự.

Giai đoạn hòa giải trong tố tụng dân sự là một trong những thủ tục bắt buộc trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, để các đương sự có thể hòa giải được với nhau, Luật sư sẽ tư vấn để đương sự có thể đưa ra được phương án hòa giải tốt nhất. Đối với vụ án tranh chấp đất đai, để hòa giải được cần hiểu sâu, rõ vụ án và nguyện vọng các bên để đưa ra được phương án mà hai bên có thể chấp nhận. Việc có Luật sư tư vấn và giải thích những quy định của pháp luật liên quan để đương sự hiểu và thực hiện đúng là cần thiết.

Làm gì để thực hiện tốt vai trò của Luật sư trong vụ án dân sự?

Đối với khách hang, việc mời Luật sư ngay từ khi phát sinh tranh chấp là cần thiết để tránh những việc khiếu kiện, khiếu nại không đúng thẩm quyền hoặc vượt cấp. Khi Luật sư đã tham gia tố tụng, khách hàng cần tuân thủ theo tư vấn của Luật sư để vụ việc được tiến hành đúng quy định.

Luật sư cần định hướng khách hàng thu thập chứng cứ trong vụ kiện để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Khi tranh tụng, Luật sư cần chủ động đưa ra những câu hỏi để thu thập thông tin bảo đảm sự thật khách quan của vụ việc trên cơ sở yêu cầu khởi kiện.

Cần chú trọng việc hòa giải trong tranh chấp dân sự, nhất là những tranh chấp về thừa kế, tranh chấp nợ vay, nếu hòa giải thành sẽ hạn chế được mâu thuẫn trong nhân dân, giảm chi phí phát sinh trong quá trình thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *